Chủ đầu tư thông minh họ biết mình dốt chỗ nào. Dốt chỗ nào thì họ sẽ thuê người giỏi ở chỗ đó. Làm nhà thì đa phần chủ đầu tư có tiền nhưng không biết vẽ nhà và không biết xây nhà. Thế nên họ phải thuê kiến trúc sư và nhà thầu thi công. Một mối quan hệ tay ba phức tạp hình thành...
Năm 2015 chúng tôi nhận được lời đề nghị thi công cửa sổ trưng bày thời trang cho hãng thời trang Prada ở Hà Nội. Giám đốc phát triển châu á của họ đích thân đi thăm cơ sở vật chất nhà xưởng và quyết định sẽ đồng ý để chúng tôi thi công cho họ. Họ gửi cho chúng tôi một bản thiết kế từ Ý và có hỏi cặn kẽ là “bọn mày có gỗ Ebony không?”.
Chúng tôi trả lời là có mà không kiểm tra kỹ với đơn vị cung cấp gỗ. Sau khi nghiên cứu thiết kế, chúng tôi nhận ra một vấn đề là không có chất liệu gỗ Ebony chính xác theo thiết kế tại Việt Nam. Tìm cách nhập khẩu không khả thi vì số lượng quá ít. Chúng tôi email đề nghị thay đổi vật liệu và thiết kế cho phù hợp với điều kiện thi công ở Việt Nam. Chủ đầu tư Prada cho chúng tôi rớt cây ngay sau email ấy.
Năm 2019 chúng tôi đóng vai trò nhà thiết kế cho một dự án rất nhỏ ở Hà Nội. Chúng tôi được nhà thầu gửi phản hồi về thiết kế là : Thiết kế có quá nhiều vấn đề, thiết kế không thể hiện thực được…. Một không khí thiếu tin tưởng, thiếu tinh thần xây dựng được phủ lên toàn bộ dự án. Chủ đầu tư yêu cầu chúng tôi điều chỉnh thiết kế theo tư vấn của nhà thầu thi công. Chúng tôi không đồng ý thay đổi thiết kế. Chúng tôi nỗ lực làm việc với nhà thầu và cuối cùng dự án cũng được hoàn thành đúng gần như hoàn toàn như thiết kế ban đầu.
Các bạn thấy không, ở Ý, chủ đầu tư và nhà thiết kế cho nhà thầu láo nháo rớt cây. Còn ở Việt Nam, chủ đầu tư lại cùng nhà thầu láo nháo hạ bệ thiết kế. Có cái nghịch lý ngớ ngẩn ấy là bởi vì chủ đầu tư quê ta không nắm được vai trò, nguyên tắc vận hành và phối hợp các bên trong quản lý dự án xây dựng.
Để dự án thành công, là chủ đầu tư, bạn cần đảm bảo tam giác trên hài hòa chắc chắn. Muốn nó chắc chắn, đầu tiên, bạn cần đảm bảo chọn đúng 2 đỉnh đáy.
Đáy 1, kiến trúc sư, nhà thiết kế. Một kiến trúc sư, nhà thiết kế, có kinh nghiệm không bao giờ đưa ra thiết kế bất khả thi vì nếu vậy họ không được gọi là “có kinh nghiệm”. Muốn biết họ có kinh nghiệm hay không, rất đơn giản bạn đừng nghe họ nói mà hãy xem các dự án họ đã làm, hỏi đánh giá từ các chủ đầu tư cũ của họ.
Đáy 2, nhà thầu thi công. Một nhà thầu có kinh nghiệm luôn đưa ra giải pháp thi công đảm bảo bám sát nhất với thiết kế chứ không bao giờ thay đổi thiết kế để đẹp hơn vì nếu làm được vậy họ sẽ làm thiết kế chứ không làm nhà thầu. Muốn biết họ có giỏi trong công việc của mình không, bạn không được nghe họ nói mà phải nghe các kiến trúc sư đã làm việc cùng họ đánh giá hoặc nghe chủ đầu tư cũ nói về họ.
Có hai đáy tốt rồi bạn sẽ yên tâm ngồi lên đỉnh tam giác mà ít nhất không sợ ngã. Việc còn lại là duy trì sự hài hòa của tam giác quan hệ này. Có được sự hài hòa, bổ trợ, tin tưởng, tôn trọng nhau từ các bên thì dự án của bạn sẽ chắc chắn thành công. Còn ngược lại, dự án sẽ thất bại, lỗi trước tiên thuộc về bạn. Đừng ca thán rằng dự án thất bại do kiến trúc sư này tệ, do nhà thầu này không có năng lực. Người thông minh sẽ hỏi lại bạn một câu:
“Sao kiến trúc sư tệ, nhà thầu không có năng lực mà anh chị vẫn thuê?”
Nhớ nhé, tất cả do bạn hết, những chủ đầu tư thông minh.
Comments